top of page

Người giàu Mỹ, Trung Quốc đang "chạy" đi đâu?

Trong năm ngoái, đã có khoảng 88.000 triệu phú trên khắp thế giới di cư đến các quốc gia mới. Dự kiến năm nay, con số này sẽ tăng lên 125.000 người, theo báo cáo gần đây của Henley & Partners.


Doanh nhân Trung Quốc "khó thở"


Tháng 9/2022, vợ chồng doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc là Pan Shiyi và Zhang Xin đã lần lượt từ chức Chủ tịch và CEO của đế chế bất động sản Soho China. Trước đó, họ đã chuyển đến Mỹ để "né dịch" và cố gắng quản lý công việc kinh doanh trong nước qua những cuộc gọi về Trung Quốc vào đêm khuya.


Cặp vợ chồng này được coi là những nhân chứng lịch sử cho sự "thay da đổi thịt" của nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh hội nhập và phát triển những năm qua.


Pan Shiyi sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Cam Túc, trong khi Zhang Xin làm việc trong một xưởng may ở Hồng Kông thời niên thiếu. Họ bắt đầu kinh doanh bất động sản ở đảo Hải Nam, sau đó hướng đến các thành phố lớn nhất của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải. Họ đã xây dựng các khu phức hợp bán lẻ và căn hộ cao cấp ở một số khu phố đắt đỏ nhất.


Trong một phần tư thế kỷ qua, Pan và Zhang đã hưởng lợi lớn từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc. Khi họ thành lập Soho China vào năm 1995, đất nước này có 352 triệu dân thành thị và con số này đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2021. Đối với nhiều người Trung Quốc, nhà ở là khoản đầu tư quan trọng nhất, chiếm 2/3 tổng tài sản của họ.


Tuy nhiên, Soho China ngày càng gặp nhiều rắc rối. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế bong bóng nhà đất, cùng với việc phong tỏa nghiêm ngặt các thành phố để đối phó với đại dịch đã khiến toàn bộ thị trường bất động sản lao đao. Soho China cũng không ngoại lệ khi giá các bất động sản mà họ đầu tư ở Bắc Kinh và Thượng Hải giảm sâu. Hai vợ chồng Pan và Zhang đã bị buộc phải từ chức.

Nhiều doanh nhân "trốn chạy" khỏi Trung Quốc (Ảnh: Getty).
Nhiều doanh nhân "trốn chạy" khỏi Trung Quốc (Ảnh: Getty).

Các doanh nhân giàu có và quyền lực ở Trung Quốc từng được công chúng thần tượng, được chính phủ yêu mến và được các nhà đầu tư nước ngoài săn đón. Họ đã góp phần xây dựng nền kinh tế Trung Quốc thành một cường quốc, đồng thời họ cũng là những gương mặt đại diện cho giới doanh nghiệp Trung Quốc trên toàn cầu.


Giờ đây, những doanh nhân và tỷ phú này lại âm thầm rút lui khỏi các công ty hoặc rời khỏi đất nước.


Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba, đã rời khỏi các chức vụ lãnh đạo tại công ty. Còn Colin Huang, nhà sáng lập Pinduoduo - đối thủ của Alibaba, cũng từ chức chủ tịch vào đầu năm 2021, chưa đầy một năm sau khi ông từ chức giám đốc điều hành.


Một năm trước, Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance - công ty mẹ của TikTok, cho biết ông sẽ bàn giao chức giám đốc điều hành để tập trung vào chiến lược dài hạn. Và khi Thượng Hải bị phong tỏa 2 tháng đầu năm 2022 như một phần của chiến lược zero-Covid, Zhou Hang, một doanh nhân công nghệ và nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng khác, đã rời Thượng Hải đến Vancouver (Canada).

2022 là một năm cực kỳ khó khăn đối với Trung Quốc. Nhiều doanh nhân nước này đã phải chuyển ra nước ngoài tạm thời hoặc lâu dài. Họ là một phần của làn sóng di cư "runxue", có nghĩa là "chạy trốn khỏi Trung Quốc".


Ông David Lesperance, một luật sư đã làm việc với các gia đình giàu có ở Trung Quốc, cho biết nhiều khách hàng của ông đã dành nhiều năm để chuẩn bị rời khỏi Trung Quốc, chuyển vốn hợp pháp đến các nước khác. "Giới nhà giàu Trung Quốc không chỉ lo lắng về việc đánh thuế tài sản mà họ ngày càng quan tâm đến sự an toàn của bản thân và gia đình ngay cả khi họ đã rời đi", ông nói.


Mỹ không còn là điểm đến hấp dẫn của giới giàu


Cùng cảnh ngộ với Trung Quốc, Mỹ đang chứng kiến sự ra đi của nhiều doanh nhân và người giàu.


Mỹ hiện tại không còn là nơi cư trú hấp dẫn đối với những người giàu có trên thế giới như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, báo cáo mới đây của công ty tư vấn nhập cư Henley & Partners cho thấy.


Theo báo cáo, vào năm ngoái, dòng vốn của các cá nhân có giá trị ròng cao đổ vào nước này đã giảm hơn 80% so với mức trước đại dịch. Số lượng triệu phú giảm xuống chỉ còn 1.500 vào năm 2022 so với mức 10.800 triệu phú trong giai đoạn 2013 - 2019.


Báo cáo cho biết "Mỹ đang mất đi ánh hào quang đối với các triệu phú di cư" và "Giấc mơ Mỹ" cũng đang mất dần sức hấp dẫn.


Trước đây, phần lớn những nhập cư đến từ "các quốc gia đang phát triển có hộ chiếu yếu, với quyền truy cập miễn thị thực hạn chế và khả năng di chuyển kinh tế thấp". Tuy nhiên hiện tại, hầu hết những người mới đến đều đến từ các nước phát triển.


Theo các nhà phân tích, người giàu là nhân tố quyết định sức khỏe của một nền kinh tế nhờ khả năng di chuyển tự do trên toàn cầu và điều này cung cấp "tín hiệu cảnh báo sớm về xu hướng của các quốc gia trong tương lai".

Giới giàu thất vọng với giấc mơ Mỹ, rời đi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nước khác (Ảnh: Katherine Lam).
Giới giàu thất vọng với giấc mơ Mỹ, rời đi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nước khác (Ảnh: Katherine Lam).

Dữ liệu của công ty cho thấy vào năm 2014, Mỹ có dòng vốn ròng lớn nhất của các cá nhân có tài sản từ 1 triệu USD trở lên. Tuy nhiên, vào năm 2022, quốc gia này chỉ chiếm vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng này,


Andrew Amoils, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại New World Wealth - đơn vị hỗ trợ biên soạn báo cáo cho biết: "Mọi người vẫn đang đến, nhưng số người rời đi đã tăng lên đáng kể".


Báo cáo lưu ý rằng ngày càng có nhiều người Mỹ giàu có chuyển ra nước ngoài, "tìm kiếm những đồng cỏ xanh tươi hơn ở các nước khác với tốc độ chưa từng thấy", với một số người giải thích lựa chọn của họ là do lo ngại về thuế hoặc an ninh.


Công ty cũng ghi nhận một sự thay đổi trong nước, đó là các thành phố nhỏ hơn đang trở nên hấp dẫn hơn đối với những cư dân giàu có, trong khi các siêu đô thị như Chicago và New York lại chứng kiến dòng chảy di cư lớn của các triệu phú.


Giới nhà giàu đi đâu?


Theo ông Mehdi Kadiri, người đứng đầu Henley & Partners khu vực Bắc Mỹ, các triệu phú rời Mỹ để tìm kiếm cơ hội khác ở nước ngoài.


"Người Mỹ đang trải qua "mùa đông bất mãn" của chính họ", Kadiri viết trong báo cáo theo dõi xu hướng di chuyển đầu tư tại Mỹ.


Nhiều triệu phú Mỹ cảm thấy bất mãn bởi những lời kêu gọi đánh thuế người giàu, căng thẳng chính trị ở Mỹ, thị trường khó lường do chiến tranh ở Ukraine, tỉ lệ tội phạm gia tăng và bạo lực súng đạn. Chưa kể xung đột về các vấn đề xã hội như bình đẳng giới và phân biệt chủng tộc, ông Kadiri nói thêm.


Những người giàu ở Mỹ muốn có nhiều lựa chọn hơn, hiện họ đang di cư đến các quốc gia như Bồ Đào Nha, Malta, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy, nơi cung cấp thị thực vàng và các chương trình di cư hấp dẫn.


Theo báo cáo của Henley & Partners, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hiện dẫn đầu các điểm đến của triệu phú Mỹ.

UAE là điểm đến triệu phú hàng đầu thế giới năm 2022 (Ảnh: Arabian Bussiness).
UAE là điểm đến triệu phú hàng đầu thế giới năm 2022 (Ảnh: Arabian Bussiness).

Ông Jeff D. Opdyke, một chuyên gia đầu tư tài chính tại Wall Street Journal, cho rằng việc các triệu phú Mỹ chọn hộ chiếu thứ 2 không phải là để né thuế, mà đơn giản là họ đang theo đuổi "giấc mơ Mỹ" ở nơi khác.


Nhiều nhà đầu tư, giám đốc điều hành và doanh nhân đang di cư để hy vọng sự giàu có của họ được bảo đảm trong tương lai. Họ đi "tìm đồng cỏ xanh hơn để đầu tư và tăng trưởng kinh doanh, điểm đến an toàn hơn để nuôi sống gia đình", ông Opdyke nói thêm.


Bất chấp những xu hướng đó, Mỹ vẫn là thị trường có tổng tài sản ròng lớn nhất trị giá 65.000 tỷ USD, với 770 tỷ phú, trong đó 9.630 người có tài sản từ 100 triệu USD trở lên và 5,3 triệu người có thu nhập cao, báo cáo của Henley & Partners nhấn mạnh.


Còn những doanh nhân, người giàu có Trung Quốc cho biết họ hiện không còn phải lo lắng khi sống ở các quốc gia khác. Một trong những điểm đến hấp dẫn nhiều người giàu của Trung Quốc là Singapore.


J.C. Huo, người sáng lập Lotusia - một công ty tư vấn xử lý các thủ tục đăng ký kinh doanh và xin thị thực tại Singapore, cho biết trong năm qua công ty tiếp nhận nhiều khách hàng Trung Quốc. Họ là những doanh nhân kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, trò chơi, tiền điện tử và fintech.

Nhiều doanh nhân Trung Quốc chọn Singapore là điểm đặt chân và đầu tư mới (Ảnh: Elaine L).
Nhiều doanh nhân Trung Quốc chọn Singapore là điểm đặt chân và đầu tư mới (Ảnh: Elaine L).

Việc Trung Quốc trải thảm đỏ cho khu vực tư nhân cũng không thể ngăn làn sóng di cư khỏi đất nước.


"Các doanh nhân vẫn còn bi quan. Họ lo lắng về tài sản của mình, và có xu hướng sẽ đăng ký công ty ở Singapore và đầu tư vào đây", Huo cho hay.


Hồng Kông từ lâu cũng là một điểm đến được ưa chuộng cho các gia đình giàu có và giới tinh hoa của Trung Quốc. Tuy nhiên, nơi này trở nên kém hấp dẫn hơn đối với doanh nhân và giới giàu Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng quyền kiểm soát lãnh thổ.


Chen Yong, người sáng lập Pionex, một sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở ở Bắc Kinh, đã chuyến đến Singapore vào năm 2021. Ông và nhiều doanh nhân Trung Quốc khác cho biết họ không có ý định chuyển đến Hồng Kông, bất chấp những nỗ lực thu hút đầu tư của thành phố này.


Do lĩnh vực tiền điện tử bị cấm ở Trung Quốc nên Chen đã chuyển hầu hết các hoạt động sang Singapore thay vì Hồng Kông với lo ngại rằng chính sách tiền điện tử của thành phố này khó tách khỏi Bắc Kinh.


"Khi các doanh nhân chọn chuyển đến Singapore, điều đó có nghĩa là họ đã chọn rời khỏi Trung Quốc", Chen chia sẻ.


Singapore đã trở thành một đối thủ mạnh mẽ của Hồng Kông khi là nơi để giới siêu giàu Trung Quốc cất giữ tài sản của họ. 4 trong số 10 người Singapore giàu có nhất trong danh sách tỷ phú của Forbes là những người Trung Quốc mới nhập cư.

Singapore cũng nổi lên như một vùng đệm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang. Đối với một số người, hộ chiếu từ Singapore hấp dẫn vì nước này có quan hệ tốt với cả hai nước.


Các chính phủ trên khắp thế giới ngày càng cảnh giác với ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhiều người muốn biết liệu các công ty đó có đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân của công dân họ hay không và liệu các khoản đầu tư của các công ty Trung Quốc này có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không.


Sự giám sát kỹ lưỡng như vậy đã khiến một số doanh nhân Trung Quốc tìm kiếm hộ chiếu nước ngoài hoặc ít nhất là tình trạng thường trú nhân ở các quốc gia khác.


Hầu hết các doanh nhân này vẫn duy trì một số hoạt động kinh doanh ở trong nước. Tuy vậy, họ sẽ không vội vàng quay trở lại để đầu tư và mở các doanh nghiệp ngay cả khi chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi.


"Doanh nhân không dám mạo hiểm nữa. Họ phải suy nghĩ kỹ trước khi làm bất cứ điều gì và xem liệu họ có lâm vào tình thế nguy hiểm hay không", Huo nói.


11 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page